Năm 1993, nhà điêu khắc Trịnh Yên – một phụ huynh có con học tập tại trường từ năm học đầu tiên – đã phát tâm “dựng tượng Thần Siêu cho trường, cho đời, làm truyền thống giáo dục các thế hệ tương lai”.

Nhà điêu khắc cùng nhà văn Nghiêm Đa Văn đã về làng Lủ lấy tư liệu, trưng cầu ý kiến và lấy nhân dạng Thần Siêu. Cụ Siêu không có chân dung để lại, mọi người chỉ căn cứ vào bức vẽ khi cụ Siêu đi sứ nước Tàu được học trò vẽ tặng, miêu tả cụ Siêu ngồi giữa Phương Đình dạy học.

Bức tượng Thần Siêu sau đó đã được dựng nên từ nhân dạng 5 đời trước và sau đạo diễn điện ảnh Tự Huy – hậu duệ của Thần Siêu. Đất để cất nên tượng được kén tại làng quê cụ, trên phần mộ cụ, lẫn cả sỏi đá, cả rễ cỏ lâu đời đã trầm cùng hài cốt của cụ “như nỗi gai sơ vốn dĩ lặng im, đằng nào thì cũng lành như đất”.

Bức tượng được thể hiện trên quan điểm điêu khắc truyền thống ứng dụng hiện đại, lấy tỷ lệ thật nhấn vào cách bài trí folklore của tượng chùa gây cảm giác nghiêm túc mà giản dị, còn độ lồi lõm âm dương của đặc tả tràn đều theo bố cục với dáng ngồi ngay thẳng, biểu hiện cho phong cách của cụ, bên trái là chồng sách, tráp đồ, phía dưới gối là đài nghiên giá cóc, bàn tay trái mở sách, biểu hiện cho sự truyền bá kiến thức; bàn tay phải giữ cây Tháp Bút biểu tượng cho sự đĩnh đạc của tư tưởng mang tính triết đạo của kiến thức nhân hóa (bút hóa tháp). Và dung diện của cụ biểu cảm quắc thước, điềm đạm trước nỗi buồn (tâm trạng). Nhưng đôi môi thì hơi tươi, ánh mắt hy vọng – biểu cảm sự vị tha cho đối tượng (là học trò, là người hậu thế, là con cháu dòng họ Nguyễn của cụ…)

Nhà điêu khắc Trịnh Yên chia sẻ: “Nghĩ về danh nhân, phải thể hiện được thời đại mà họ đã sống, phải tâm đắc được tinh thần danh nhân và thấu được cái lẽ bây giờ… Thần Siêu có danh là Phương Đình Chí Đạo – cái tên như là sứ mệnh có thật trong dòng thi tác nhân văn và học thuật của đất nước. Ở hoàn cảnh bĩ cực, cái chí làm người không dễ gì hòa tan trong lẽ sống thấp hèn, ông chấp nhận sự khó trong lều tranh, ông buông ấn như thả một nụ cười mà lòng vẫn không bí ức với bổn phận nhân luân… Ông tự thanh thản lấy mình và ngầm chí vun dòng văn hóa. Khi hưu trí vừa dạy học, vừa kiếm sống lại là lúc ông sáng tác và hoàn thành rất nhiều tác phẩm và giáo trình…”

Tượng cụ được hình thành tại xưởng của những nghệ sĩ tự lập, của những em học sinh mỹ thuật đến tự nguyện lao công. Ngày đổ khuôn định hình tượng là ngày hội của những em bé học sinh và thầy cô giáo ở ngôi trường mang tên Cụ, của các bô lão làng cụ, các dòng hậu duệ… Tất cả chiêm bái tinh thần pho tượng và có người thốt tên cụ trong nước mắt.

Sau khi bức tượng Thần Siêu hoàn tất, được đúc thành hai pho bằng thạch cao, một pho để tại nhà thờ Họ Nguyễn Kim Lũ, một pho để tại phòng thờ Trường Nguyễn Siêu có làm Lễ “Hô Thần nhập tượng” theo đúng nghi lễ. Những năm sau đó,đồng chí Nguyễn Triệu Hải – lúc đó là Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội (người có tâm đức với danh nhân và sự nghiệp trường Nguyễn Siêu) – đã giao cho Sở Văn hóa Thông tin xây dựng Lăng cụ Nguyễn Siêu ngày nay, tại làng Lủ, Kim Lũ, Kim Giang, Hà Nội.

===

TIN LIÊN QUAN

>>> Người Nguyễn Siêu gây dựng Không gian Kí ức Nguyễn Siêu [Lời phát động hiến tặng và tiếp nhận hiện vật đóng góp vào dự án Nhà bảo tàng Nguyễn Siêu của NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh – Chủ tịch HĐQT nhà trường]

>>> Trường Nguyễn Siêu trong trái tim nhà vô địch Wushu thế giới

>>> Ngụm nước mát trong chiếc bình kí ức

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Facebook
0909009009